Trong cuộc sống hiện tại xã hội Việt Nam tồn tại rất nhiều tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau, nhưng có thể nói thờ Mẫu là một tín ngưỡng có nguồn gốc bản địa đích thực, mặc dù trong quá trình phát triển nó đã thu nhận không ít những ảnh hưởng của Đạo giáo, Phật giáo và thậm chí cả Nho giáo. Mặc dù xã hội hiện tại đã phát triển với nhiều bước tiến khoa học hiện đại nhưng Đạo mẫu ngày càng phát triển và có vị trí quan trọng trong xã hội bởi và cũng là một tín ngưỡng phổ biến tồn tại song song với các tôn giáo lớn khác như đạo phật, bởi thế trong rất nhiều ngôi Đình, Đền Chùa của người Việt có sự kết hợp giữa thờ Phật và thờ Mẫu. Xét về tổng quan thì Đạo mẫu chính là nét đẹp văn hóa mang đặc trưng của dân tộc cần được bảo tồn và phát triển thế nhưng trong xã hội cũng có những quan niệm cho rằng đạo Mẫu gắn liền với mê tín dị đoan với những quan niệm sai lầm do sự thiếu hiểu biết và những động cơ không lành mạnh đã gây nên những vấn nạn xấu ảnh hưởng đến đạo Mẫu.
Nguồn gốc đạo thờ mẫu
Hầu như mọi tôn giáo lớn đều được du nhập từ bên ngoài vào chỉ riêng tục thờ Mẫu, được coi là một trục chính của tín ngưỡng dân gian đã tồn tại suốt cả mấy nghìn năm và góp phần bảo vệ một bản sắc văn hóa dân tộc muôn đời. Vượt qua giai đoạn nguyên thủy lúc người Việt còn thờ các lực lượng tự nhiên cho đến giai đoạn thờ thần linh nhân dạng thì ngay từ đầu đã ra đời một đối tượng thờ đáng quan tâm nhất là bà mẹ quyền năng. Khi người Việt thờ các thần linh thiên nhiên thì các thần linh này được kết hợp lại trong khái niệm Thánh Mẫu hay Nữ thần Mẹ. Theo thời gian khái niệm Thánh Mẫu được mở rộng để bao hàm cả các nữ anh hùng trong dân gian với vai trò người bảo hộ hoặc trị bệnh. Những nhân vật lịch sử này được kính trọng, tôn thờ và cuối cùng được thần thánh hóa để thành một trong các hiện thân của Thánh Mẫu.
Ý nghĩa của việc thờ mẫu
Mẹ tự nhiên một thế giới quan cổ xưa của người Việt
Đạo Mẫu coi thế giới tự nhiên và con người là một thực thể đồng nhất. Với Đạo Mẫu, người mẹ của con người cũng là người mẹ tự nhiên và việc tôn thờ Mẫu là hiện thân của bản thể tự nhiên có thể che chở, mang lại những điều tốt lành cho con người. Cách nhận thức thế giới theo kiểu nhất thể hóa này tuy có mặt hạn chế, nhưng nó cũng có mặt tích cực giúp cho con người hòa đồng, cảm nhận và luôn lắng nghe tự nhiên và ra sức bảo vệ tự nhiên một cách hữu hiệu hơn. Điều này càng trở nên quan trọng khi mà hành tinh chúng ta đang đứng trước thực tế bị tàn phá, dẫn đến sự biến đổi khí hậu đe dọa chính bản thân con người và nền văn minh nhân loại.
Khác với nhiều tôn giáo tín ngưỡng dù đó là Phật giáo hay Kitô giáo. Đạo Mẫu không hướng con người tin vào thế giới sau khi chết mà là tin vào thế giới hiện tại, thế giới mà con người cần phải có sức khỏe, có tiền tài và quan lộc. Đó là một nhân sinh quan mang tính tích cực phù hợp với quan niệm hiện sinh của con người trong thế giới hiện đại. Đây cũng là cách tư duy thể hiện tính thực tế, thực dụng của con người Việt Nam. Chúng ta cũng khó đo đếm được có bao nhiêu con người Việt Nam tin vào sức mạnh và sự kỳ diệu của Thánh Mẫu. Chỉ biết rằng không chỉ hàng ngày người ta đến cầu xin Thánh Mẫu mà còn vào những dịp hội hè, lễ tiết thì số lượt người trảy hội đến các đến phủ tăng gấp bội để cầu mong Mẫu ban cho mình sức khỏe và tài lộc. Trong nghiên cứu hiện nay các nhà khoa học đã bắt đầu lý giải được việc những người có căn số tức là người có những đặc tính tâm sinh lý đặc biệt đã phải chịu những dồn nén xã hội và tâm lý cho nên dễ dẫn đến tình trạng rối loạn về tâm lý và hành vi thường sau khi ra trình đồng đều khỏi bệnh và trở về trạng thái tâm sinh lý bình thường. Thậm chí, ngay cả với những người dù không có căn đồng mà chỉ để giải tỏa, giải trí trước những sức ép của nhịp sống xã hội đô thị hiện đại thì khi lên đồng cũng giúp họ giải tỏa được những stress. Đó là tác dụng trị liệu của Đạo Mẫu và Lên đồng. Những tín đồ của Đạo Mẫu nhất là những người làm nghề kinh doanh buôn bán luôn có một niềm tin mãnh liệt vào Thánh Mẫu, người có thể phù hộ cho họ buôn bán phát đạt. Ở đây chúng ta khó có thể khẳng định được thực sự có hay không một lực lượng siêu nhiên nào đã hỗ trợ cho họ trong việc kinh doanh buôn bán nhưng có lẽ lúc này thì niềm tin của con người chính là vai trò quyết định và nó có thể tạo nên sức mạnh vật chất thực sự.
Đạo Mẫu là một biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước
Đạo Mẫu thông qua các ký ức, các truyền thuyết và huyền thoại cũng như qua các nghi lễ và lễ hội đã thể hiện rõ ý thức lịch sử và ý thức xã hội của mình. Trong điện thần của Đạo Mẫu thì hầu hết các vị Thánh đã được lịch sử hóa tức là đều hóa thân thành những con người có danh tiếng, có công trạng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tất nhiên trên thực tế đã có không ít những vị thánh thần vốn thoát thai từ các nhân vật có thật trong lịch sử sau này được người đời tô vẽ lên thành các vị thần thánh. Ngoài ra còn có nhiều vị thần linh, vốn là các thiên thần hay nhiên thần nhưng lại được người đời nhân thần hóa hay lịch sử hóa gán cho họ có sự nghiệp, có công trạng với đất nước hay từng địa phương. Bằng cách đó, Đạo Mẫu gắn bó với cội nguồn và lịch sử dân tộc và đã trở thành một biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, một thứ chủ nghĩa yêu nước đã được tín ngưỡng hóa, tâm linh hóa mà trong đó người Mẹ là nhân vật trung tâm.
Hướng con người đến thái độ sống hòa hợp
Đạo Mẫu vốn là tín ngưỡng bản địa của tộc Việt nhưng nó thể hiện một khả năng tích hợp tôn giáo tín ngưỡng cao. Đây là một tín ngưỡng bản địa có từ lâu đời, nhưng trong quá trình hình thành và phát triển Đạo Mẫu đã tiếp thu, tích hợp và bản địa hóa nhiều ảnh hưởng của Đạo giáo, Phật giáo, Nho giáo. Mặt khác nó còn tích hợp văn hóa của nhiều dân tộc thiểu số như người Dao, Tày, Nùng, Chăm, Khơme. Trong hệ thống các thần linh có nhiều vị thần người dân tộc thiểu số như các vị Thánh hàng Chầu hay Thánh Cô do vậy có thể thấy nó cũng tích hợp các sinh hoạt văn hóa của các dân tộc thiểu số đó vào trong nghi lễ. Điều này thể hiện tính dân chủ, bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc và tính cởi mở dễ hòa nhập của Đạo Mẫu.
Lên đồng là một nghi lễ quan trọng bậc nhất của Đạo Mẫu
Đạo Mẫu và các hình thức Shaman giáo đều ẩn chứa những giá trị văn hoá nghệ thuật rất phong phú. Đó là kho tàng truyền thuyết, thần tích, huyền thoại về các thần linh nó còn có các hình thức diễn xướng với âm nhạc, ca hát, nhảy múa, các hình thức trang trí, kiến trúc… Nhiều người đã nói tới diễn xướng Đạo Mẫu như là một hình thức sân khấu tâm linh hay một văn hoá. Ở hình thức diễn xướng này chúng ta có thể thấy được lối nghĩ, nếp sống, các quan niệm nhân sinh, thấy được nếp ăn, cách mặc hay nghi lễ của cha ông xưa được chiêm ngưỡng. Có thể thấy sự hiện thân của các thần linh đã được lịch sử hóa với công trạng, tính cách, điệu bộ rất sinh động. Quả thực đó là một bộ sưu tập lịch sử và văn hóa vô cùng phong phú và sinh động. Chỉ riêng nghi lễ Hầu bóng – Lên đồng của Đạo Mẫu đã sản sinh ra loại hình âm nhạc hát Văn mà theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu đó là một trong những loại hình dân ca tiêu biểu nhất của người Việt đóng góp vào kho tàng âm nhạc thế giới.
Các dạng thức thờ Mẫu
Thờ Mẫu ở Bắc bộ
Bắt nguồn từ tục thờ Nữ thần có nguồn gốc xa xưa từ thời tiền sử cho tới thời phong kiến một số Nữ thần đã được cung đình hoá và lịch sử hoá để thành các Mẫu thần tương ứng từ thế kỷ 15 trở về trước. Còn từ khoảng thế kỷ 15 trở đi thì hình thức thờ mẫu Tam phủ, Tứ phủ được định hình và phát triển mạnh và đây cũng là thời kỳ xuất hiện các nhân vật như Thánh Mẫu Liễu Hạnh,… với các nghi thức ảnh hưởng từ Đạo giáo.
Thờ Mẫu ở Trung Bộ
Dạng thức thờ Mẫu này chủ yếu ở khu vực nam Trung bộ đặc trưng cơ bản của nó là tín ngưỡng thờ Mẫu không có sự hiện diện của mẫu Tam phủ, Tứ phủ mà chỉ có hình thức thờ Nữ thần và Mẫu thần. Hình thức thờ Nữ thần ví dụ như thờ Tứ vị Thánh nương hay Bà Ngũ Hành .
Thờ Mẫu ở Nam bộ
So với ở Bắc Bộ tục thờ Nữ thần và Mẫu thần có sự phân biệt nhất định với biểu hiện rõ rệt là thông qua tên gọi và xuất thân của các vị thần thì ở Nam Bộ sự phân biệt giữa hình thức thờ Nữ thần và Mẫu thần ít rõ rệt hơn và hiện tượng này được giải thích với nguyên nhân do Nam Bộ là vùng đất mới của người Việt khi di cư vào đây họ vừa mang các truyền thống tín ngưỡng cũ lại vừa tiếp nhận những giao lưu ảnh hưởng của cư dân sinh sống từ trước tạo nên một bức tranh không chỉ đa dạng trong văn hoá mà còn cả trong tín ngưỡng.
Từ thờ Nữ thần đến thờ Mẫu
Ở Việt Nam chưa ai thống kê một cách hệ thống và đầy đủ các Nữ thần được nhân dân tôn vinh và thờ phụng tuy nhiên nhiều người cho rằng việc thờ phụng này đã có từ rất lâu đời và phổ biến ở nhiều dân tộc, ở đồng bằng cũng như miền núi. Trong vốn huyền thoại và truyền thuyết của Việt Nam thì các vị nữ thần gắn liền với việc tạo lập bản thể của vũ trụ, như nữ thần mặt trời hay nữ thần mặt trăng và các hiện tượng như mây, mưa, sấm, chớp cũng được thần thánh hóa và mang tính nữ. Các vị nữ thần kể trên từ bao đời nay đã được nhân dân ta tôn làm Thần, Thánh và được Triều đình ban sắc phong là Thượng đẳng thần là Thành hoàng của nhiều làng trong đó Liễu Hạnh công chúa được dân gian tôn vinh là một trong Tứ bất tử của đất nước. Trong các huyền thoại và truyền thuyết cũng có có những chuyện xuất phát phát từ những thực tế lịch sử tuy nhiên, không ít trường hợp là kết quả của sự thêu dệt hoang đường, phi thực. Nhưng đó lại là thực tế hiển nhiên giúp ta hiểu rõ vai trò và vị trí hết sức to lớn của người phụ nữ Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
Từ thờ mẫu đến thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ
Không nên đồng nhất hoàn toàn giữa thờ Mẫu với thờ Mẫu Tam. Có thể thấy Mẫu Tam phủ – Tứ phủ so với tín ngưỡng thờ Mẫu thần nói riêng và thờ thần nói chung đã có bước phát triển đáng kể về tính hệ thống. Trước nhất nó vốn là một tín ngưỡng dân gian mang tính tản mạn, rời rạc nhưng nay bước đầu quy về một hệ thống tương đối nhất quán về điện thần .Trong quá trình biến đổi, phát triển từ thờ Mẫu đến Mẫu Tam phủ – Tứ phủ chúng ta đặc biệt chú ý tới giai đoạn từ thế kỷ XVI trở đi vid đây là giai đoạn xuất hiện Mẫu Liễu quan niệm dân gian thường coi Bà là hóa thân, thậm chí đồng nhất với Mẫu Thượng Thiên và trở thành một vị thần chủ của Đạo Mẫu Tam phủ – Tứ phủ. Tất nhiên sự xuất hiện của vị Thánh Mẫu này ở vào khoảng thế kỷ XVI vừa xuất phát từ nhu cầu phát triển nội tại của tín ngưỡng thờ Mẫu đã có từ trước vừa phản ảnh khát vọng của quần chúng nhân dân thời Lê mạt. Đạo Mẫu vốn là một tín ngưỡng gần với thiên nhiên, trời đất, nay được đời thường hóa gắn liền và đáp ứng những khát vọng của con người và cùng với sự xuất hiện vị thần chủ này thì hệ thống điện thần, quan niệm nhân sinh và vũ trụ đặc biệt là các nghi lễ, lễ hội càng thể hiện tính hệ thống hơn. Tất nhiên bên cạnh sự lên khuôn, hệ thống hóa nói trên thì trong Đạo Mẫu Tam phủ – Tứ phủ vẫn còn ẩn chứa nhiều yếu tố tín ngưỡng, ma thuật, những sắc thái và biến dạng địa phương. . . khiến nhiều người mới bước vào tìm hiểu có cảm giác như lạc vào thế giới thần linh hỗn độn, phi hệ thống.
Nghi thức Hầu Bóng
Trong Đạo Mẫu có rất nhiều nghi lễ đầy mầu sắc và là mấu chốt đã tạo ra nhiều lễ hội rất phong phú, đa dạng đến phức tạp. Hầu bóng là nghi lễ nhập hồn của các vị Thánh Tứ Phủ vào thân xác ông Đồng bà Cốt . Khi các vị Thánh đã nhập đồng thì Đồng chính là Thánh hiển linh để phán truyền cũng như ban phúc cho các tín dân. Để phục vụ cho nghi lễ quan trọng này thì người ta đã sáng tạo ra một hình thức lễ nhạc gọi là Hát Vǎn để có thể phục vụ cho quá trình nhập đồng hiển thánh.
Những nhân tố ảnh hưởng đến tục thờ mẫu
Nhân tố tôn giáo – tín ngưỡng
Lễ hội thờ mẫu tứ phủ chịu sự tác động mạnh mẽ của các tôn giáo, tín ngưỡng khác cùng tồn tại và phát triển trong một nền văn hóa nhất định. Sự tương tác giữa các tôn giáo, tín ngưỡng tạo nên hai xu hướng rõ rệt là dung hòa lẫn nhau để cùng tồn tại, phát triển hoặc triệt tiêu, loại bỏ nhau. Tuy nhiên ở Việt Nam, xu hướng thứ hai gần như không xảy ra với các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng khi định hình hoặc du nhập. Các tín ngưỡng dân gian đã có vai trò quan trọng trong việc triệt tiêu đi tính cực đoan trong tôn giáo ngoại lai. Nói cách khác chính tín ngưỡng đã buộc các tôn giáo phải bản địa hóa, tín ngưỡng hóa và hòa nhập với tín ngưỡng để tồn tại phát triển trong đời sống cộng đồng Việt. Từ đó các tín ngưỡng thông qua tôn giáo để tự nâng cấp, hoàn thiện mình trong diễn trình phát triển. Có thể thấy sự tương tác hai chiều giữa các tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam là một đặc tính chung trong đời sống tâm linh của dân tộc. Phật giáo khi du nhập vào Việt Nam đã dung hòa với tín ngưỡng thờ nữ thần, kết hợp với hiện tượng thờ tứ pháp mà hình thành các ngôi chùa. Rồi chính tín ngưỡng thờ nữ thần này đã qua Phật giáo trở nên thịnh hành, có quyền năng hơn trong đời sống cộng đồng. Sau này các điện thờ mẫu tứ phủ ở Việt Nam có thêm gian thờ phật hoặc các ngôi chùa đều có thêm điện thờ mẫu. Một mặt nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh vốn đa dạng của người Việt mặt khác cũng cho thấy sự hỗn dung đan xen giữa Phật giáo với tín ngưỡng thờ tứ phủ. Nhiều vị thánh mẫu mang trong mình hai tư cách vừa là nữ thần vừa là hóa thân của bồ tát trong không gian thờ tự Phật giáo. Bên cạnh sự tương tác với Phật giáo thì tín ngưỡng thờ mẫu tứ phủ còn chịu sự tác động của Đạo giáo khá rõ nét. Những tích truyện mang đậm chất thần tiên về mẫu Liễu Hạnh là minh chứng cho quá trình hỗn dung giữa đạo Mẫu và Đạo giáo. Cùng với Đạo giáo và Phật giáo, Nho giáo cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến tín ngưỡng thờ mẫu tứ phủ. Tuy nhiên, khác với Phật giáo và Đạo giáo, Nho giáo không tác động trực tiếp đến đạo Mẫu mà ảnh hưởng gián tiếp thông qua những hình thức biểu hiện khác nhau. Đặc biệt, trong nhiều lễ hội thì hình thức biểu hiện có ảnh hưởng từ Nho giáo rõ nhất là nghi lễ kéo chữ. Nội dung chữ được xếp gắn liền cầu mong cho đất nước phát triển, cuộc sống được thái bình hạnh phúc. Đây chính là nội dung tư tưởng mà Nho giáo đều mong ước, họ phải cố gắng tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, để cho thiên hạ thái bình, đời sống no đủ, thịnh vượng. Nhân tố tôn giáo tín ngưỡng đã tạo ra sự tích hợp, đan xen giữa các loại hình tôn giáo ngoại lai, tín ngưỡng bản địa với tín ngưỡng thờ mẫu tứ phủ. Từ đó tác động trực tiếp đến nội dung thực hành, nghi thức tâm linh của lễ hội thờ mẫu tứ phủ.
Nhân tố cộng đồng
Đây có thể được coi là một trong những nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của mỗi tôn giáo, tín ngưỡng. Cộng đồng là nơi dung dưỡng, che chắn cho các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng trong thời kỳ khó khăn và giúp cho tôn giáo có thể phát triển mở mang rộng rãi sức ảnh hưởng mỗi khi có điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên tác động của các nhóm cộng đồng khác nhau thì sức ảnh hưởng đậm nhạt khác nhau. nhóm cộng đồng cư dân địa phương trực tiếp tham gia vào công việc quản lý và vận hành tín ngưỡng thờ mẫu tứ phủ. Họ là những cá nhân trực tiếp tham gia vào các hoạt động quản lý, thực hành nghi lễ và tổ chức các nghi thức tín ngưỡng, lễ hội. Bên cạnh đó, họ cũng là người nắm nguồn thu kinh phí do khách thập phương công đức và trực tiếp chi trả trang trải những khâu vận hành liên quan đến ngôi đền, tổ chức xây dựng, tu sửa đền.
Đạo Mẫu là tín ngưỡng bản địa có nguồn gốc từ lâu đời, từ thời nguyên thủy nó thỏa mãn tâm lý của người nông dân cầu mong sự sinh sôi nảy nở và đã từng tồn tại trong thời kỳ lâu dài của lịch sử chế độ phong kiến, nó đáp ứng nhu cầu không chỉ của nông dân mà còn cả tầng lớp thương nhân ở đô thị, nhất là từ thế kỷ XVI-XVII. Ngày nay, nó vẫn tiềm ẩn chiều hướng phát triển đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế thị trường và đô thị hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Đạo Mẫu đã phát triển rộng khắp ở cả đồng bằng, đô thị và miều núi tạo nên một nét khá nổi bật trong bức tranh chung vốn hết sức đa dạng và phong phú của tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam. Đây là một thứ tín ngưỡng có nguồn gốc bản địa đích thự, mặc dù trong quá trình phát triển nó đã thu nhận những ảnh hưởng của Đạo giáo, Phật giáo và thậm chí cả Nho giáo nữa. Đạo Mẫu tôn thờ mẹ làm đấng sáng tạo và bảo trì cho vũ trụ, con người, là nơi con người ký thác những mong ước, khát vọng về đời sống trần thế của mình để có thể đạt tới sức khỏe và tài lộc.