Trong đời sống tâm linh của người Việt, tín ngưỡng thờ Mẫu là một trong những nét nổi bật của tín ngưỡng dân gian, trong đó việc thờ Mẫu, đặc biệt là Mẫu Liễu Hạnh đã được người Việt tôn thờ ở vị trí cao nhất trong tục thờ Mẫu. Từ một tín ngưỡng bản địa, trong quá trình tồn tại và phát triển, đã tiếp thu và giao thoa, dung hợp với một số tín nguỡng, tôn giáo khác để trở nên rất gần gũi với mọi người mà dân gian thường gọi là đạo Mẫu.
I. Mối quan hệ của tín ngưỡng thờ Mẫu
Trong quá trình tồn tại và phát triển, tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam đã tiếp thu, kế thừa và thăng hoa từ tín ngưỡng dân gian, và các tôn giáo (tục thờ cúng tổ tiên, thờ thành hoàng, thờ cúng các anh hùng dân tộc...). Khởi nguyên của tín ngưỡng thờ Mẫu chính là tục thờ Nữ thần, phát triển thành tục thờ Mẫu thần, sau này với sự xuất hiện của Liễu Hạnh, tục thờ Mẫu đã được hệ thống hóa, tiếp thu, ảnh hưởng từ những tôn giáo du nhập từ bên ngoài (Phật giáo, Đạo giáo, Công giáo...) để tạo thành một loại hình tín ngưỡng bản địa. Từ đây “Hào quang Mẫu Liễu đã được thắp sáng từ thế kỷ XVI, tỏa rạng ở thế kỷ XVII, XVIII, XIX cho đến nay!”1.
- Tín ngưỡng thờ Mẫu với các hình thái tín ngưỡng bản địa
Trong tâm thức của người Việt, Tứ bất tử (Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Mẫu Liễu Hạnh) biểu trưng cho quá trình chinh phục tự nhiên, sức mạnh quật cường, đạo lý nhân văn, lòng thủy chung son sắc... của người Việt. Trong đó, Mẫu Liễu Hạnh - một trong bốn vị Tứ Bất Tử, không chỉ “phản ánh các vị thần linh cao nhất từ vùng núi (Tản Viên), vùng châu thổ cao (Thánh Gióng), vùng trung châu thổ (Chử Đồng Tử) và hạ châu thổ (Mẫu Liễu Hạnh)”2, mà còn tiêu biểu cho khát vọng của con người, nhất là khát vọng giải phóng người phụ nữ trước những hà khắc của chế độ xã hội phong kiến.
Tín ngưỡng thờ Mẫu rất gần gũi với đạo Thần tiên, vì Liễu Hạnh đồng thời cũng là một vị tiên tiêu biểu của Việt Nam. Có rất nhiều sắc phong của triều đình, từ thời Lê đến thời Nguyễn, phong Liễu Hạnh là Tiên hay coi như Tiên, với các danh/mỹ hiệu: Đế Thích Liễu Hạnh (đạo sắc niên hiệu Vĩnh Khánh, 1729), Đế Thích thiên đình cẩm tú, thiên thượng thiên thần (đạo sắc niên hiệu Cảnh Hưng, 1740), Đế Thích thiên đình Liễu Hạnh công chúa thượng đẳng thần (triều đại Quang Trung), Mẫu nghi thiên hạ (triều Nguyễn).
Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng chịu ảnh hưởng nhiều từ tục thờ cúng tổ tiên, một tín ngưỡng đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong các tín ngưỡng của người Việt. Trong bài trí thần điện của Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng mang tính gia tộc, có vua Cha thánh Mẫu, có “tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ”. Đây có thể coi là một dạng thức “phóng đại” của mô thức gia đình, của tục thờ cúng tổ tiên và cũng là một biểu hiện sinh động huyền thoại “Lạc Long Quân và Âu Cơ” của dân tộc ta.
Giữa Tín ngưỡng thờ Mẫu và tục thờ thành hoàng cũng có một số điểm tương đồng, nhưng giữa Tín ngưỡng thờ Mẫu và tục thờ Thành hoàng khó có thể hòa hợp. Phải chăng, tuy cùng gốc thờ thần, nhưng tục thờ Thành hoàng đi theo con đường tiếp thu, ảnh hưởng của Nho giáo và chịu sự quản lý của triều đình (thông qua việc phong sắc), còn Tín ngưỡng thờ Mẫu tiếp thu ảnh hưởng của Đạo giáo và nằm ngoài tầm “kiểm soát” của triều đình, gần gũi với dân gian.
- Tín ngưỡng thờ Mẫu và Đạo giáo
Đạo giáo du nhập vào nước ta vào khoảng đầu thời kỳ Bắc thuộc (thế kỷ II, III). Để thích nghi với tâm lý, truyền thống văn hoá, tín ngưỡng bản địa, Đạo giáo đã phải thay đổi, thích ứng cho phù hợp với hoàn cảnh: “... sự kết hợp giữa Đạo giáo và tín ngưỡng bản địa là một trong những đặc điểm lớn trong quá trình phát triển Đạo giáo ở Trung Quốc và ở Việt Nam. Chính nhờ sự kết hợp với tín ngưỡng bản địa cũng như các tôn giáo khác mà Đạo giáo không bao giờ bị tận diệt”3.
Đạo giáo có vai trò quan trọng trong việc “hệ thống hóa” những tư tưởng đơn lẻ thành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ , Tứ phủ. Sự ảnh hưởng của Đạo giáo đối với tín ngưỡng thờ Mẫu thể hiện cả trong nhân sinh quan, thế giới quan, trong thần điện cũng như nghi thức thờ cúng. Vì thế, sự xuất hiện của Tín ngưỡng thờ Mẫu đã đánh dấu bước ngoặt của Đạo giáo ở Việt Nam: “Nếu ta phân lịch sử Đạo giáo thành hai thời kỳ lớn thì thời kỳ đầu, khoảng từ thế kỷ thứ II cho đến thế kỷ thứ XV, là thời kỳ của Đạo giáo ở Việt Nam, hay chúng tôi gọi là Đạo giáo chính thống, còn thời kỳ từ thế kỷ thứ XVI trở về sau, đã xuất hiện loại Đạo giáo Việt Nam, đúng hơn là Đạo giáo Việt, với khuynh hướng căn bản là kết hợp giữa những phả hệ thần linh Đạo giáo kiểu mô hình Trung Quốc với những thần linh - thần tiên nội địa...”4.
Những hình thức thờ cúng Tam phủ, Tứ phủ của Tín ngưỡng thờ Mẫu là sự vay mượn, tiếp thu ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Quốc. Nếu như Đạo giáo có Tam phủ hay Tam nguyên Đại đế, Tam Thanh thì tín ngưỡng thờ Mẫu có Tam phủ , Tam tòa Thánh Mẫu; Đạo giáo có Tứ Ngự, Tứ Độc thì Tín ngưỡng thờ Mẫu có Tứ Phủ , Tứ vị chầu Bà; Đạo giáo có Ngũ phương Ngũ Lão quân, Ngũ Nhạc, Ngũ Nhạc tinh quân... thì Tín ngưỡng thờ Mẫu có Ngũ vị Vương quan, Ngũ vị Hoàng tử, Ngũ Hổ... Một số vị thánh của Đạo giáo cũng thâm nhập vào thần điện của Tín ngưỡng thờ Mẫu như: Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Ngũ vị Tinh quân, Thánh Phụ, Thánh Mẫu; những truyền thuyết, những truyện thần tiên huyền ảo, những phép thuật mang tính phù thủy để trừ tà ma; ngay cả trong nghi thức lên đồng của Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng chứa đựng nhiều yếu tố thần tiên của Đạo giáo như thánh thăng, thánh giáng, nhập hồn, xuất thần, phán truyền, nghi thức cầu tiên, giáng tiên, giáng bút, luyện đồng... Người Việt tiếp nhận Đạo giáo như tiếp nhận thêm niềm tin vào các vị thần linh mới, có uy lực siêu phàm đối với cuộc sống và vận mệnh của họ, thêm một phương thức giao cảm với các đấng siêu nhiên.
3. Tín ngưỡng thờ Mẫu với Đạo Phật
Giữa Tín ngưỡng thờ Mẫu và Đạo Phật có mối quan hệ tương giao và dung hòa, nương tựa và bổ sung cho nhau để cùng tồn tại và phát triển. Trong sự tích “Sòng Sơn đại chiến”, khi tung hoành ở vùng núi Sòng (Thanh Hóa), Liễu Hạnh đã bị Tiền Quân Thánh bắt được, nhưng cả vua lẫn Tam Thánh cũng không xử tội được Bà. Chỉ khi đức Phật hiện ra, giải cứu cho công chúa - con gái của Ngọc Hoàng thì Liễu Hạnh mới quy phục: “Rồi sự tích hợp đạo thờ Mẫu và đạo Phật sau huyền tích “Sòng/Sùng Sơn đại chiến” đã biến Mẫu Liễu thành một đệ tử của Phật”5. Đây là một minh chứng sinh động nói lên mối quan hệ gắn bó của đạo Phật với Tín ngưỡng thờ Mẫu dân gian, mà trong đó, vị thần chủ Mẫu Liễu Hạnh đã quy y cửa Phật, như Bà đã từng tuyên bố: “Ta là công chúa Quỳnh Hoa ở cung Tiên, thấy Đạo Phật từ bi nên muốn quy y tụng niệm”.
Ở góc độ bài trí điện thờ thì hiện tượng “trong chùa có Mẫu, trong phủ có Phật” rất phổ biến. Cấu trúc “tiền Phật, hậu Mẫu” hay “tiền Phật, hậu Thánh” là những đặc trưng quan trọng của những ngôi chùa miền Bắc. Trong lễ hội Phủ Dầy (Nam Định), tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm, ngoài các nghi thức quan trọng, còn có những đám rước “thỉnh kinh”, như: Ngày mồng 4 rước từ phủ Giáp Ba (đền Bảo Ngũ) sang chùa Thông, ngày mồng 5 rước từ phủ Vân Cát sang chùa Dần, ngày mồng 6 là cuộc rước lớn từ phủ Tiên Hương đến chùa Gôi và ngược lại. Theo quan niệm dân gian thì đó là biểu hiện của việc quy y theo đạo Phật của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Ngoài ra, cả Tín ngưỡng thờ Mẫu và Đạo Phật đều có sự ảnh hưởng qua lại với những tín ngưỡng bản địa, như: Tục thờ Mẹ, thờ Nữ thần, tục thờ Tứ Pháp...
Việc thờ Mẫu, có thể nói, như là một đảm bảo chắc chắn cho ngôi chùa tồn tại, đây là sự lựa chọn đúng đắn nhất của đạo Phật khi lấy Tín ngưỡng thờ Mẫu dân gian để dung hoà: “Có thể nói đúng hơn: Việc thờ Mẫu là một đảm bảo cho sự tồn tại của ngôi chùa, hay sự dung hội với tín ngưỡng dân dã này là đường đi tất yếu của Phật giáo Việt, nhờ đó mà đạo Phật có bệ đỡ quần chúng”6.
4. Tín ngưỡng thờ Mẫuvà một số tín ngưỡng, tôn giáo khác
- Với Công giáo: Nghi thức thờ Mẫu của người Việt có nhiều điểm rất gần gũi với hình tượng Đức mẹ Maria của Công giáo. Điều đó lý giải vì sao, khi vào Việt Nam một thời gian các nhà truyền giáo đã tìm hiểu và có chính sách phù hợp khi vận dụng giáo luật đạo Công giáo ở phương Tây để làm cho đạo Công giáo ở Việt Nam dễ được tiếp nhận hơn bằng việc đề cao và phát huy được yếu tố này: “... nếu không có Đức Mẹ Maria thì rất khó truyền bá đạo Thiên chúa vào Việt Nam”7. Chính vì thế, “người Công giáo Việt Nam trong tâm linh sùng kính dân gian đã chuyển hóa vai trò tôn thờ, cũng có nghĩa là chuyển hóa niềm tin nơi Đức Maria theo một quan niệm thờ Mẫu”8.
- Ấn Độ giáo (Hinđu giáo). Trên nhiều phương diện, người Việt đã “Việt hóa” nhiều vị thần của đạo Hinđu trở thành Thánh Mẫu của người Việt. Việc tôn thờ Bà Đen ở Linh Sơn (Tây Ninh) và Bà Chúa Xứ ở núi Sam(An Giang) là những ví dụ điển hình cho xu hướng bản địa hóa này.
- Những tín ngưỡng thờ Mẹ/Mẫu của các dân tộc khác. Người Chămpa có Mẹ Xứ sở Po Inư Nagar; nhóm người Tày - Nùng có Mẹ Pựt Luông (Mẹ Phật lớn), Mẹ Bióc hay Mẹ Mợva (Mẹ Hoa); người Hoa có Tây Vương Mẫu, Cửu Thiên Huyền Nữ, Hậu Thổ Nương Nương (Địa Mẫu)...
- Ngoài ra, Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng vươn sự ảnh hưởng của mình đến với những tín ngưỡng mang tính địa phương/vùng, như: Tín ngưỡng Tứ Pháp, tín ngưỡng thờ Bà chúa Kho (đều thuộc vùng Kinh Bắc xưa)...
II- Một số nhận xét
- Tín ngưỡng thờ Mẫu là một loại hình tín ngưỡng có nguồn gốc bản địa. tín ngưỡng thờ Mẫu lấy việc tôn thờ Mẹ/Mẫu làm đấng sáng tạo vũ trụ, bảo trì cho cuộc sống con người; một tín ngưỡng hướng về cuộc sống trần thế chứ không phải là thế giới bên kia.
- Tín ngưỡng thờ Mẫu có tính mở rất cao. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, ta thấy dấu ấn văn hóa của Phật giáo, Đạo giáo, Công giáo, Ấn Độ giáo, những tín ngưỡng dân gian bản địa khác... Hiếm có một tín ngưỡng nào lại tiềm tàng sức tự biến đổi, sự trẻ hóa như tín ngưỡng thờ Mẫu.
- Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, yếu tố Mẹ/Mẫu rất nổi trội, điều này phù hợp với vai trò, vị trí của người phụ nữ trong quá trình dựng và giữ nước của dân tộc ta, phù hợp với “Nguyên lý Mẫu, nguyên lý Mẹ” như nhận xét của cố GS. Trần Quốc Vượng.
- Tín ngưỡng thờ Mẫu, ngoài hình thức là một tín ngưỡng, còn chứa đựng nhiều giá trị truyền thống, giá trị đạo đức và giá trị văn hóa sâu sắc. Từ tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh những người có công với dân với nước, thông qua những hình thức “lịch sử hóa”, “bản địa hóa”, “nhân hóa”, tín ngưỡng thờ Mẫu đã trở thành một trong những biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, mà trong đó, Mẹ/Mẫu là nhân vật trung tâm. Thật tự hào cho dân tộc ta khi lựa chọn hình tượng Bà Mẹ để tôn vinh, thờ phụng và ký thác niềm tin của mình. Đó là giá trị cao quý nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu.
- Tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng, các hình thức Saman giáo nói chung đều ẩn chứa những giá trị văn hóa phong phú, đa dạng, bao gồm những truyền thuyết và huyền thoại, nghi lễ và diễn xướng, trang phục và vũ điệu...
Qúa trình giao lưu, hội nhập, kế thừa và phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu với các tín ngưỡng, tôn giáo khác diễn ra lâu dài, liên tục. Kết quả là, đã tạo ra một loại hình tín ngưỡng dân gian bản địa nổi bật trong bức tranh chung của hệ thống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Ngày nay, cùng với sự phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu thì các hình thức nghi lễ, lễ hội và các sinh hoạt văn hóa khác cũng được phục hồi và phát triển, tạo nên bộ mặt văn hóa rất đa dạng, phong phú và sống động, góp phần vào việc bảo tồn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đúng như nhận xét: “Cánh cửa nghiên cứu Mẫu Liễu và tín ngưỡng thờ Mẫu dân gian cứ từ từ mở, cánh cửa Phủ Dầy hàng năm “tháng Ba giỗ Mẹ” cũng từ từ mở lại...”9./.
Nguyễn Đăng Bản
Chú thích
1, 2 ,5,7,9 - Trần Quốc Vượng: “Việc phục hồi, phát huy, làm giàu lễ hội Phủ Dầy”, Tạp chí Di sản văn hóa, số 7/2004, tr. 57, tr. 56, 73.
3, 4 - Nguyễn Thế Hùng: Đạo giáo ở Hà Tây, Luận án Tiến sĩ, HN, 2003, tr. 25, 34.
6 - Trần Lâm Biền: “Mẫu, Thần điện”, Một con đường tiếp cận lịch sử, Nxb. Văn hóa Dân tộc, HN, 2000, tr. 637.
8 - Nguyễn Hồng Dương: “Đức mẹ Maria trong tâm linh sùng kính dân gian của tín đồ Công giáo Việt Nam”, Đạo Mẫu và các hình thức Saman trong các tộc người ở Việt Nam và Châu Á, Nxb. KHXH, HN, 2004, tr. 245.
Tài liệu tham khảo
Toan Ánh (1992), Tín ngưỡng Việt Nam, quyển Thượng, Nxb Tp. Hồ Chí Minh.- Đoàn Thị Điểm (2014), Vân Cát thần nữ, Nxb Thế giới, Hà Nội.
- Mai Thanh Hải (2005), Tìm hiểu tín ngưỡng truyền thống Việt Nam, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.
- Đinh Gia Khánh (1995), Văn hoá dân gian Việt Nam với sự phát triển của xã hội Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Nguyễn Minh San (1993), Bước đầu tìm hiểu đặc trưng của điện thờ Mẫu, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 3.
- Ngô Đức Thịnh (2007), Đạo Mẫu, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Quan lớn đệ Tứ khâm sai đại diện cho Địa phủ trong phần lễ khai quang |
Lễ đón bằng di sản văn hóa phí vật thể của nhân loại cho “tín ngưỡng thực hành thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tháng 4/2017
Trần Thị Kim Huệ, thủ nhang Phủ Tiên Hương thuộc quần thể di tích Phủ Dầy trong một giá hầu |
Nguồn: Ông Nguyễn Đăng Bản - Vụ Tín ngưỡng và Các Tôn giáo khác
- Thực hiện: Quang Hiến
Người gửi / điện thoại
CÂU LẠC BỘ NGHIÊN CỨU NGHỆ THUẬT VÀ VĂN HÓA CỔ VIỆT NAM - TW HỘI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VỀ ĐÔNG NAM Á VN
2017 Bản quyền thuộc về Câu Lạc Nghiên Cứu Nghệ Thuật Và Văn Hóa Cổ Việt Nam
Nơi trao đổi, giới thiệu và ươm mầm văn học - nghệ thuật - bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà thơ. Hoàng Huy - Email: nhathohoanghuy@gmail.com
Kinh phí ủng hộ gửi về: Số tài khoản: 237.410.779, chủ tài khoản: Tự Quốc Huy, Ngân hàng ACB chi nhánh Thủ Đức, Tp.HCM.
Thư từ liên lạc, bài vở xin gửi về E-Mail:nhathohoanghuy@gmail.com
Website này được sự tài trợ của Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Phong thủy Thiên Uy - Tp.HCM